Ngày 15/1, RFA Tiếng Việt cho hay “Phóng viên và nhân viên VTC hụt hẫng khi kênh truyền hình bị đóng cửa”.
Theo bản tin của RFA, hơn 1.000 phóng viên, biên tập viên, các nhân viên hành chính của VTC và các kênh truyền hình khác, sẽ nghỉ việc từ ngày 15/1, trong khi, Đài truyền hình Việt Nam VTV chỉ tiếp nhận chức năng và nhiệm vụ của các đài này, chứ không tiếp nhận người lao động.
RFA cho biết, mạng báo VnExpress đưa tin, từ 0 giờ ngày 15/1, 13 kênh truyền hình VTC cùng các kênh VOV TV, Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn… ngừng hoạt động, kênh truyền hình Quốc Hội TV cũng đã dừng hoạt động từ ngày đầu năm mới.
Đây được xem là một phần trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống, nhằm giảm trùng lắp chức năng, nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí.
Theo VnExpress, đơn vị chủ quản của đài VTC là VOV cho biết, việc này là để “thực hiện Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 141 của Chính phủ, về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy”.
RFA dẫn lời một nữ nhân viên hành chính của VTC, người có thâm niên làm việc trong 20 năm qua, cho biết, bà cùng các đồng nghiệp rất sốc và hoang mang về việc ngừng hoạt động của cơ quan này, “không biết đi đâu về đâu” khi Tết Nguyên đán cận kề “trong khi chưa hề có chính sách nào được thông báo đến người lao động”.
Bà nói với RFA, ngày 15/1, trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Làm gì cũng phải nghĩ đến cho người lao động. Bao năm cống hiến, hiện tại chúng tôi làm cũng tự thu tự chi, không ăn lương ngân sách nhà nước, tại sao bắt các kênh của chúng tôi dừng đột ngột không có lộ trình?”
RFA cũng cho biết, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC được thành lập từ năm 2004, sau chuyển thành đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông. Đến năm 2015, VTC được sáp nhập vào Đài tiếng nói Việt Nam VOV.
Tuy không phải là đài quốc gia, nhưng VTC lại được phủ sóng cả nước, và thực hiện chức năng nhiệm vụ tuyên truyền như một đài truyền hình quốc gia.
Nữ nhân viên nói trên khẳng định, việc đóng cửa VTC là “sự phá hoại”, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, về máy móc và trang thiết bị – là tài sản của quốc gia, khi không có bên nào sử dụng.
RFA dẫn quan điểm của nhà báo độc lập Nam Việt, từ Sài Gòn cho hay, sự cắt giảm các kênh tuyên truyền, được ví như “mạch máu của chính quyền”, cho thấy, gánh nặng tài chính mà ngân sách Việt Nam đang phải chịu.
Ông Nam Việt viết trong tin nhắn gửi RFA:
“Đã có không ít phóng viên của nhà nước lên trên mạng xã hội thở than, tiếc nuối, và nói rằng, đã cống hiến trong bao nhiêu năm, nhưng bây giờ buộc phải ra đi.”
“Nhưng đó là lời chia sẻ mỉa mai hơn là đáng thương, vì (họ) phục vụ cho một hệ thống tuyên truyền tay sai, không có gì để đáng mà tự hào. Thậm chí, khi nhắc về quá khứ đó, người ta chỉ thấy một hình dáng nô bộc, cúc cung tận tụy, chứ không thấy một nhà báo công dân dám lên tiếng cho công lý, nỗi đau của con người trong đất nước.”
Trong khi đó, RFA dẫn ý kiến của Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh – người từng nhiều lần cộng tác với VTC và các kênh truyền hình khác, trong một số chương trình xã hội, cho rằng, người dân hiện nay có ít lựa chọn hơn, khi chỉ còn VTV.
Bà cho hay:
“Việc đóng cửa VOV TV, Truyền hình Nhân dân và Quốc hội TV có thể coi là hiểu được, thì việc ngừng phát sóng VTC sẽ khiến việc truyền bá thông tin bị thu hẹp, và người xem truyền hình thiệt thòi vì có ít lựa chọn hơn.”
Theo bà, VTV chuyên về mảng chính trị, do vậy, với việc đóng cửa VTC, thì các vấn đề xã hội như quyền của phụ nữ, văn hoá đọc, giáo dục… sẽ ít được đưa lên truyền thông hơn.
Quang Minh – thoibao.de