Việc triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP dường như không đạt được hiệu quả như mong đợi, tình trạng kẹt xe vẫn lan rộng và không hề thuyên giảm. Ngày 15/1, truyền thông nhà nước lên tiếng khẳng định quyết tâm bằng tiêu đề: “Nghị định 168 – Chỉ bàn tiến, không bàn lùi!”.
Bản tin nhấn mạnh, việc bàn lên, lật xuống theo góc nhìn thiếu khách quan, tiêu cực chỉ làm nhiễu loạn thông tin. Việc cần làm ngay lúc này là toàn dân đồng lòng cùng lực lượng chức năng nghiêm chỉnh thực hiện Nghị định này.
Việc truyền thông nhà nước khẳng định điều vừa kể ngay sau nửa tháng triển khai Nghị định 168, theo công luận, có thể là một phản ứng trước những khó khăn, cũng như các tiêu cực từ phía người dân.
Điều này, có thể cho thấy chính sách trọng tâm của Bộ Công an đang gặp phải những thách thức, và khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn, đó là, nếu việc triển khai Nghị Định 168 thất bại, thì không chỉ riêng Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phải chịu trách nhiệm. Mà điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín và tương lai chính trị của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong vai trò người đứng đầu Đảng và chịu trách nhiệm trong việc điều hành đất nước.
Theo giới phân tích, Nghị định 168 thất bại bởi thiếu tính khả thi, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc triển khai quá vội vàng, thiếu các bước thí điểm trước khi áp dụng trên diện rộng. Cũng như, Bộ Công an đã không lường hết đến các yếu tố thực tế như hạ tầng giao thông yếu kém, và sự thiếu phối hợp đồng bộ.
Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn không giải quyết được gốc rễ vấn đề, và tình trạng kẹt xe trở nên trầm trọng hơn, dường như không thấy hồi kết. Nguyên nhân sâu xa là do quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ, phương tiện giao thông tăng nhanh, và hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong khi Nghị định 168 chỉ có thể chỉ tập trung vào các biện pháp xử phạt hành chính mang tính răn đe, mà không giải quyết được các vấn đề cốt lõi.
Là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ phải chịu trách nhiệm gián tiếp về sự thất bại của các chính sách lớn, bao gồm Nghị định 168. Điều này có thể làm suy giảm niềm tin của người dân và Ban lãnh đạo đảng vào năng lực, cũng như uy tín của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tình trạng kẹt xe nếu còn tiếp tục kéo dài, sẽ gây bức xúc trong dư luận, điều này có thể dẫn đến sự bất mãn và phản ứng tiêu cực từ số đông người dân. Đây là một áp lực không hề nhỏ đối với ông Tô Lâm.
Ngoài ra, việc không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông kéo dài, còn có thể làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư và đối tác quốc tế. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Ban lãnh đạo đảng và Chính quyền Việt Nam.
Theo giới phân tích quốc tế, tại thời điểm hiện nay, tương lai chính trị của Tổng Bí thư Tô Lâm đứng trước các thách thức. Cụ thể:
– Nếu Tổng Bí thư Tô Lâm và Chính phủ có những điều chỉnh kịp thời, đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, để giải quyết tình trạng kẹt xe, uy tín của ông Tô Lâm có thể được phục hồi.
– Nếu tình trạng kẹt xe tiếp tục kéo dài trầm trọng và không có giải pháp khả thi, uy tín của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến sự nghi ngờ về năng lực lãnh đạo của ông, thậm chí ảnh hưởng đến vị trí của ông trong hệ thống chính trị.
– Trong trường hợp xấu nhất, sự thất bại của Nghị định 168 có thể trở thành cơ hội để các phe nhóm chống ông Tô Lâm trong nội bộ Đảng chỉ trích, cũng như thách thức vị trí của Tổng Bí thư của ông Tô Lâm, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14 vào đầu năm 2026.
Trà My – Thoibao.de